Hiện tại điều 175 của BLHS năm 2015 không quy định tình tiết “bỏ trốn” trong tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây nên khó khăn trong xử lý tội phạm.
Sáng nay ngày 24/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên họp thứ 3 với các nội dung xoay quanh Luật Hình sự 2015 (sửa đổi).
Liên quan đến Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175 của BLHS năm 2015, nhiều ý kiến tán thành với việc quy định hành vi “bỏ trốn” là tình tiết định tội tại điểm a khoản 1 Điều 175 (như khoản 1 Điều 140 BLHS năm 1999) để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Ý kiến khác đề nghị không quy định hành vi “bỏ trốn” trong cấu thành tội phạm của tội danh này vì không phù hợp với quy định của Luật cư trú. Có ý kiến đề nghị thay từ “bỏ trốn” bằng từ “trốn tránh”.
UBTVQH nhận thấy, BLHS năm 1999 quy định “bỏ trốn” là tình tiết định tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhằm bảo đảm xử lý được các trường hợp vay, mượn, thuê … tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng kết thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 cho thấy quá trình áp dụng điều luật này không gặp vướng mắc.
Tuy nhiên, Điều 175 của BLHS năm 2015 lại bỏ tình tiết này sẽ dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, điểm a khoản 1 Điều 175 đã được chỉnh lý, bổ sung hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Có ý kiến cho rằng, quy định tình tiết “đến hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tại điểm a khoản 1 Điều 175 là không hợp lý, vì khó phân định được ranh giới giữa hình sự và dân sự.
UBTVQH nhận thấy, việc quy định tình tiết “đến hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” trong BLHS năm 2015 là phù hợp, đáp ứng yêu cầu xử lý các trường hợp mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng vẫn chây ỳ, cố tình không trả để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như quy định BLHS năm 2015.