Daily Archives: Tháng Bảy 14, 2023

Thành viên của Tập đoàn Vingroup đăng ký làm khu đô thị hơn 28 ngàn tỷ tại Long An

Công ty con của tập đoàn VinGroup đăng ký làm khu đô thị hơn 28 nghìn tỷ đồng tại Long An

Tháng Bảy 14, 2023

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, hết thời gian kêu gọi đầu tư dự án khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là CTCP Phát triển Thành Phố Xanh.

Thành viên của Tập đoàn Vingroup đăng ký làm khu đô thị hơn 28 ngàn tỷ tại Long An

Về phía nhà đầu tư đăng ký thực hiện, CTCP Phát triển Thành Phố Xanh là công ty con của CTCP Vinhomes (HOSE: VHM), hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Thành phố Xanh đang là đơn vị phụ trách dự án Vinhomes Grand Park của VHM, vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 6,690 tỷ đồng.

Theo thông tin kêu gọi đầu tư, dự án khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa có diện tích khoảng 197.2 ha, tọa lạc tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trong đó, quy mô đầu tư bao gồm: biệt thự, nhà liền kề, chung cư, đất nền tái định cư, nhà ở xã hội; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (riêng quỹ đất đầu tư xây dựng công trình văn hóa – thể dục thể thao và đất cơ quan hành chính sẽ chuyển giao cho tỉnh Long An để thực hiện dự án riêng).

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 28,258 tỷ đồng; trong đó chi phí thực hiện là gần 25,163 tỷ đồng, còn chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 3,095 tỷ đồng. Dự án có thời gian thực hiện là 6 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư và thời gian hoạt động là 50 năm.

Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/thanh-vien-cua-tap-doan-vingroup-dang-ky-lam-khu-do-thi-hon-28-ngan-ty-tai-long-an.html

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trả lời báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo

Từ cuối năm nay, thị trường bất động sản sẽ ‘ấm’ lại như cũ

Tháng Bảy 14, 2023

TS. Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản gặp khó khăn do tính chu kỳ và do ảnh hưởng các yếu tố địa chính trị, khó khăn của thị trường tài chính… nhưng sẽ ‘ấm’ lại như cũ từ cuối năm nay.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trả lời báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trả lời báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo sáng 13/7 (Ảnh: M.Minh)

Bên lề Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 13/7, trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vừa do tính chu kỳ vừa do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, ông Hải đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực thi những chính sách để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường phục hồi, phát triển.

“Với sự quyết liệt của Chính phủ trong điều hành chính sách và sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, những khó khăn của thị trường đang dần dần được tháo gỡ. Tôi cho rằng chỉ thời gian ngắn nữa thôi, từ cuối năm nay trở đi, thị trường sẽ “ấm” lại như cũ”, ông Hải nhận định.

Đối với riêng phân khúc nhà ở xã hội đang được quan tâm hiện nay, Cục trưởng Nhà ở nói rằng, sau khi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo được thông qua (dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023), hai Luật này sẽ tạo động lực mới cho thị trường bất động sản và nhà ở phát triển lành mạnh, bền vững

“Điểm mới là toàn bộ chính sách nhà ở xã hội ở chương 5 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội để được thông qua sớm, làm sao 1/1/2024 có thể áp dụng được ngay. Tôi cho rằng những chính sách này sau khi được áp dụng sẽ tháo gỡ được rất nhiều và nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên”, ông Hải nói.

Trước đó, khi trình bày tham luận “Những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) – Đánh giá tác động đến thị trường Bất động sản Việt Nam”, ông Hoàng Hải cho biết, hai dự thảo Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản trình bày tham luận tại Hội thảo

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về quy định sở hữu nhà chung cư, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở.

Tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Về sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư), đồng thời Bộ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.

Về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng chỉnh lý lại dự thảo luật đảm bảo thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng quy định các loại đất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Một phiên thảo luận tại Hội thảo

Một phiên thảo luận tại Hội thảo (Ảnh: M.Minh)

Về chính sách nhà ở xã hội có nhiều nội dung đổi mới. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Cụ thể, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư không bắt buộc phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê…

Đáng chú ý, dự thảo Luật Nhà ở bổ sung 2 chính sách mới về phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Tại dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Dự thảo luật thống nhất quy định các giao dịch kinh doanh nhà ở trong Luật Kinh doanh bất động sản, không còn quy định trong Luật Nhà ở để tránh giao thoa, chồng chéo.

Đồng thời bổ sung quy định về việc đặt cọc khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Chỉ được nhận tiền đặt cọc hoặc các khoản tiền khác từ khách hàng nhằm mục đích bán, cho thuê mua nhà ở khi nhà ở đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo đúng quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, trong đó đề xuất phương án yêu cầu thực hiện qua sàn đối với các bất động sản để tăng cường công khai, minh bạch và quản lý hoạt động giao dịch.

Sửa đổi, bổ sung quy định xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; bổ sung quy định về điều tiết thị trường bất động sản bao gồm nguyên tắc điều tiết, các trường hợp cần thiết điều tiết và thực hiện điều tiết để làm cơ sở Chính phủ chỉ đạo thực hiện điều tiết thị trường bất động sản khi cần thiết.

Chính phủ trong thẩm quyền được giao quyết định điều tiết thị trường bất động sản thông qua điều hành thực hiện các chính sách về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, thuế, tín dụng, tài chính, các chính sách thích hợp khác trong từng thời kỳ nhất định.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi bổ sung một số nội dung khác nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật về nhà ở, đất đai, đầu tư… và đảm bảo kiểm soát hoạt động kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch đảm bảo phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Cục trưởng Nhà ở và Thị trường Bất động sản khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách sở hữu nhà ở có tác động tích cực trong việc thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản là nhà ở và khuyến khích thu hút FDI.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung – cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế.

Hai Luật này được thông qua sẽ giúp phát triển được nhiều dự án khiến nguồn cung tăng lên, mở rộng điều kiện để mua bán đơn giản hơn; làm tăng số lượng nhà ở cả thương mại lẫn xã hội, nhà cho lực lượng vũ trang, nhà lưu trú cho công nhân… tạo động lực cho thị trường phát triển.

Về mặt xã hội, chính sách mới sẽ giúp mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục quy trình xét duyệt để người dân được mua dễ dàng hơn; thậm chí cho phép doanh nghiệp mua số lượng lớn nhà ở xã hội để cho công nhân thuê (trước đây chỉ cho cá nhân thuê), rồi phát triển cho cả Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội… để tăng số lượng nguồn cung, hạ giá bán, giúp người dân có điều kiện tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/tu-cuoi-nam-nay-thi-truong-bat-dong-san-se-am-lai-nhu-cu-325688.html